Dưới chân điện Kính Thiên, các nhà khảo cổ phát hiện nền hoa chanh và gạch ngói các thời Lê, Nguyễn, Trần…
Sáng 17/4/2018, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện khảo cổ đã công bố nhiều hiện vật cổ sau gần một năm khai quật thăm dò tại điện Kính Thiên, thuộc Hoàng thành Thăng Long.
Đoàn khai quật đã mở một hố rộng 960 m2 nằm chếch về góc phía Đông Bắc di tích nền chính điện Kính Thiên, phía Đông Nam khu vực hành cung thời Nguyễn. Hố khai quật gồm 16 lớp đào, mỗi lớp trung bình 20cm.
Cuộc khai quật đã làm xuất lộ tầng văn hóa dày gần 4,5m với các lớp văn hóa có niên đại từ thời Đại La, qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời hiện đại.
Theo kết quả khai quật, phía trên của hố đào là lớp đường bê tông, vật liệu gạch ngói và một số móng gia cố, cống thoát nước thời Pháp, tiếp theo là lớp phù sa lắng đọng vào đầu thế kỷ 20. Phía dưới lớp phù sa là hệ thống vật liệu gia cố, san lấp thuộc nhiều niên đại từ thời Nguyễn đến thời Lê và Trần.
TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Khảo cổ học (phụ trách nhóm khai quật) cho hay, nhiều dấu tích cổ được phát lộ như hệ thống móng cột gia cố, nền kiến trúc, móng tường và tường bao gạch vồ xám, dấu tích ao hồ, giếng nước bằng đá thời Lê trung hưng. Di tích bó nền hoa chanh chạy dài theo chiều Đông Tây, đây là di tích thời Trần lớn nhất từ trước đến nay từng được phát hiện.
Nhóm khảo cổ còn phát hiện nhiều di vật như công cụ sản xuất, vật liệu xây dựng niên đại từ Đại La đến thời Lê, Nguyễn. Trong đó đặc sắc nhất là nhóm gạch ngói và vật liệu trang trí lợp mái cung điện có tráng men vàng (hoàng lưu ly) và men xanh (thanh lưu ly) thuộc thời Lê sơ (thế kỷ 15-17). Những di vật này cho phép hình dung rõ thêm về loại ngói rồng lợp cung điện trong điện Kính Thiên của Hoàng đế Lê sơ.
PGS. TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, đánh giá kết quả khảo sát rất đáng tin cậy và phù hợp với kết quả khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu trước đó. “Các nhà khảo cổ cần mở rộng hố khai quật để nghiên cứu rộng hơn. Bên cạnh đó là xây dựng một bản đồ kiến trúc khu vực Hoàng thành Thăng Long”, ông Bùi Minh Trí gợi ý.
Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, các nhà khảo cổ cần tập trung vào yêu cầu phục dựng không gian điện Kính Thiên; có kế hoạch bảo tồn hoặc trưng bày cho người dân tham quan các di tích đã được phát lộ.
Đại diện cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Di sản (Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao) nhấn mạnh, các nhà khoa học cần nghiên cứu sâu về địa chất, tài nguyên môi trường chứ không đơn thuần làm khảo cổ để xác định rõ hơn giá trị của di tích. Ông Hùng cũng tán thành lập bản đồ lớp khảo cổ từng địa tầng để giải đáp chỗ nào vẫn giữ nguyên, khu vực đã bị xáo trộn để làm cơ sở quy hoạch, triển khai việc phục dựng sau này.
Điện Kính Thiên là di tích trung tâm trong tổng thể các di tích của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Đây là nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Năm 1886, điện bị phá huỷ, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Thành cổ Hà Nội ngày nay).
Theo vnexpress.net