Nhắc đến khâu nhục, nếu ai đã từng nghe nói đến hoặc đã từng thử, phần đông có thể sẽ nhớ đến món khâu nhục ở Cao Bằng – Bắc Kạn, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tiên Yên,… Tuy nhiên, hương vị của khâu nhục của người Giáy ở Tả Van có lẽ là nổi bật, khó quên nhất.
![](https://dong-son.s3.ap-southeast-1.amazonaws.com/wp-content/uploads/2021/07/19102946/Am-thuc-Giay-khau-nhuc-1.jpg)
Hương vị của núi rừng Tả Van
Ở Tả Van (Sapa), người dân tộc Giáy còn gọi món Khâu nhục với tên gọi “lái” đi một chút, đó là “khẩu nhục”. Món khâu nhục của người Giáy được làm với hàng loạt những gia vị sau, và thậm chí còn có thể nhiều hơn nữa, đó là: sả, gừng, hành, tỏi, đậu phụ “thối”, hạt dổi, nước mắm, xì dầu, mì chính, mẻ, rau cải mèo muối chua,…
![](https://dong-son.s3.ap-southeast-1.amazonaws.com/wp-content/uploads/2021/07/19103113/19.7b.png)
Mỗi loại gia vị trong món khâu nhục của người Giáy lại có những cách chế biến, thu hoạch đặc biệt. Ví dụ như rau cải mèo, người Giáy thường tự trồng loại rau này rồi hái về, đem phơi khô, rửa sạch, thái nhỏ rồi muối cho lên vị chua như cách muối dưa cải thường được biết đến. Quan trọng hơn cả, trong tất cả các nguyên liệu làm nên một món khâu nhục “hoàn hảo”, đậm “vị núi rừng” của người đồng bào Giáy, phải kể đến những gia vị đặc trưng của Tả Van là hạt dổi và mắc khén được lấy trực tiếp từ thiên nhiên.
![](https://dong-son.s3.ap-southeast-1.amazonaws.com/wp-content/uploads/2021/07/19103138/19.7bb-1024x576.png)
Ngoài ra, cách chọn thịt cũng là điều mà người làm khâu nhục chắc chắn phải chú ý. Thịt ba chỉ được chọn làm món ăn này phải luôn tươi ngon với lượng nạc và mỡ cân đối – không bị mỡ quá, cũng không nhiều nạc thì mới tạo nên hương vị thơm, ngon, bùi khi thịt được ninh nhừ, ăn nóng. Món khâu nhục ở Tả Van cầu kỳ, nhiều gia vị hơn so với công thức nấu khâu nhục nguyên bản hay so với món khâu nhục ở những vùng khác nên chắc chắn có sự khác biệt vô cùng rõ nét bởi hương vị rất đậm đà, hơi hăng hăng nhưng vẫn thơm ngậy vị thịt.
Sự kết hợp đặc trưng của ẩm thực và văn hoá
Tên gọi “khâu nhục” xuất phát từ phiên âm tiếng Hoa: “Khâu” chỉ cách chế biến món ăn “hấp đến mềm rục”, còn “nhục” có nghĩa là “thịt”, do đó nếu dịch trực tiếp có thể hiểu “khâu nhục” nghĩa là “thịt được hấp mềm, chín nhừ”. Khâu nhục là món ăn dân dã nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, cách bài trí miếng thịt lên đĩa theo hình dạng một quả đồi nhỏ đang nhô cao thể hiện ý chí và sự lớn mạnh trong tương lai.
![](https://dong-son.s3.ap-southeast-1.amazonaws.com/wp-content/uploads/2021/07/19103229/Am-thuc-Giay_khau-nhuc.png)
Khâu nhục từ lâu đã trở thành món ăn gần như không thể thiếu trong các ngày lễ quan trọng của cộng đồng dân tộc Tày – Nùng, và cả với dân tộc Giáy. Đây là món ăn đặc biệt trong thực đơn của họ vào những dịp đặc biệt như những ngày Lễ, Tết, đám cưới,… Và có lẽ, người phụ nữ Giáy nào cũng được bà, mẹ truyền dạy cách nấu món ăn này khi nhà có khách quý đến chơi hay vào những ngày trọng đại, có việc vui mừng trong năm.
Đồng bào Giáy nắm giữ rất nhiều cách sử dụng, kết hợp các loại gia vị trong chế biến món ăn. Vì vậy, khâu nhục của người Giáy chính là một món ăn đặc trưng cho nét văn hoá ẩm thực Tây Bắc nói chung và của vùng Tả Van nói riêng mà những vị khách khi đến nơi đây không nên bỏ qua.
Theo http://ajcnews.net/