Kiến trúc nhà cửa là sáng tạo văn hoá vật chất quan trọng của cộng đồng, liên quan chặt chẽ đến chất lượng sống, không gian sinh tồn, sinh hoạt văn hoá của đồng bào.
Kiến trúc nhà cửa là sáng tạo văn hoá vật chất quan trọng của cộng đồng, liên quan chặt chẽ đến chất lượng sống, không gian sinh tồn, sinh hoạt văn hoá của đồng bào. Kiến trúc nhà cửa gắn với qui hoạch làng bản, xây dựng mô hình nông thôn mới, giữ gìn di sản kiến trúc… Đó chính là yêu cầu bức thiết của cuộc sống bà con dân tộc miền núi. Đi tìm những giải pháp để bảo tồn và phát huy kiến trúc nhà cửa của đồng bào Cơ Tu là chủ đề Hội thảo do Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP. Huế, Thư Viện tỉnh Quảng Nam và Phòng VHTT huyện Tây Giang tổ chức vào tháng 3 năm 2014 tại Tây Giang.
Các dân tộc ở miền núi Quảng Nam đều có nhiều loại hình kiến trúc truyền thống, trong đó nổi bật và phổ biến nhất là nhà ở. Riêng dân tộc Cơ Tu có đến nhiều loại nhà như nhà làng truyền thống (gươl), nhà ở (moong, đông, nhà dài), nhà kho, chòi rẫy, túp lều thổ cẩm, nhà mồ.. Nhìn vào công trình kiến trúc người ta biết được ít nhiều về tập quán, văn hoá, sức sống của dân tộc ấy
Nhà cửa của dân tộc Cơ Tu phần lớn là nhà sàn cách mặt đất từ một mét trở lên, có cầu thang lên xuống. Loại hình kiến trúc này phù hợp với điều kiện địa hình, không gian, môi trường tự nhiên của miền núi. Tất cả vật liệu xây dựng đều tận dụng và khai thác từ thiên nhiên nơi họ cư trú. Vật liệu phổ biến là gỗ rừng, tre nứa, cỏ tranh, dây rừng… Với bàn tay khéo léo, đồng bào biết làm cho bền chắc và đẹp mắt những bộ phận của ngôi nhà từ bộ mái đến phần sàn nhà và các phần phụ khác. Các công trình kiến trúc dân gian đã tạo dấu ấn văn hoá truyền thống được lưu truyền qua bao thế hệ. Đặc biệt, nhà làng là một công trình kiến trúc đa năng, vừa là nơi hội họp, xử kiện theo luật tục, là nơi tổ chức lễ hội cộng đồng vừa là bảo tàng nghệ thuật trang trí, điêu khắc, chứa đựng nhiều tác phẩm tạo hình của tập thể các nghệ nhân tài hoa trong làng. Ngoài ra, nhà làng truyền thống là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương. Nó thực sự là thiết chế văn hóa cần thiết, có sức sống lâu bền ở bản làng miền núi.
Tuy nhiên, kiến trúc nhà cửa của đồng bào Cơ Tu nói riêng, các dân tộc thiểu số đang bị biến đổi rất nhanh, di sản kiến trúc dần bị mai một. Ngay trong chiến tranh, nhà ở của đồng bào một số thôn bản cũng phải thay đổi.. Để tránh các cuộc đánh phá, càn quét của giặc, đồng bảo phải thực hiện “chuyển nếp sống ở nhà sàn sang nhà đất, có công sự chống may bay oanh tạc”. Ngày nay, dưới áp lực của phát triển miền núi, không gian cư trú, kiến trúc truyền thống, vật liệu xây dựng nhà ở của vùng đồng bào các dân tộc càng bị biến đổi nhiều hơn. Những năm gần đây do thực hiện định canh định cư, tái định cư để thực hiện các công trình giao thông, thuỷ điện, đồng bào xây nhà bằng vật liệu mới, kiểu cách kiến trúc mới.
Do tác động nội tại qua nhu cầu muốn học hỏi, thay đổi nếp sống cũ và tác động của chính quyền trong việc thực hiện định canh định cư, tái định cư xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện, kiên cố hoá nhà ở, xoá bỏ những ngôi nhà tạm tranh, tre, nứa, lá… đã làm cho bản làng miền núi có nhiều thay đổi căn bản. Sự chuyển biến về điều kiện cư trú càng nhanh chóng hơn khi tỉnh thực hiện chủ trương xoá nhà tạm, hỗ trợ nhà ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 134/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Từ đây, những yếu tố ngoại lai bắt đầu chi phối đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào ở các bản làng xa xôi. Xã hội cổ truyền đang biến đổi hết sức nhanh chóng cho nên kiện điều ăn ở, cư trú của đồng bào cũng phải thay đổi theo. Chẳng những các thôn bản nằm trên trục giao thông lớn bị biến dạng, “lạ hoá” mà các thôn bản vùng sâu vùng xa cũng đã và đang mất dần những yếu tố truyền thống. Kiến trúc là một trong những thay đổi rõ rệt nhất trên các vùng cao. Những ngôi nhà sàn đã bị “trệt hoá”, mái tranh mái nứa cũng bị “tôn hoá”. Mặc dù, trong quá trình thực hiện xoá nhà tạm, các nhà chức trách đã vận động và hướng cho các hộ dân lợp tôn có màu xanh để hợp với cảnh quan, thiên nhiên miền núi nhưng thực tế hoàn toàn không như mong muốn. Điều đáng nói là, khi thực hiện dự án, hầu như rất ít người quan tâm đến việc hướng dẫn người dân bảo lưu phong cách kiến trúc truyền thống của dân tộc mình. Những bất hợp lý về quy hoạch diện tích đất ở, canh tác gắn với thói quen và điều kiện sản xuất, việc phá vỡ môi trường sinh thái, mà thiết kế nhà sàn bê tông, mái tôn là sự “hủy hoại” quá lớn đến kiến trúc nhà ở của người Cơ Tu.
Sự thay đổi là điều tất yếu, tuy nhiên thay đổi theo hướng bất lợi làm ảnh hưởng nhiều đến việc bảo tồn văn hoá truyền thống, kiến trúc xưa cổ của các dân tộc thì cần phải xem xét, có những giải pháp khắc phục. Nếu không nghiên cứu cẩn thận, hợp lý sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của đồng bào miền núi nhất là việc bảo tồn văn hoá truyền thống, giữ gìn môi trường sinh thái. Ngôi nhà sàn là sự lựa chọn lý tưởng của đồng bào để thích nghi với môi trường miền núi, chống lại thú dữ, ẩm thấp, khắc phục độ dốc…Chúng ta đã vận động và cấp xi măng, tôn, sắt thép cho bà con làm nhà kiên cố, vô tình đã xoá bỏ nhiều giá trị văn hoá được con người tích luỹ, chọn lọc từ rất lâu đời.
Nhiều năm gần đây, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhà làng truyền thống và mang lại những thành công đáng phấn khởi. Hiện nay toàn tỉnh có 167 ngôi nhà Gươl truyền thống được xây dựng Tuy nhiên, đã đến lúc đặt vấn đề bảo tồn di sản này không chỉ là phục giữ nguyên dạng về mặt kiến trúc mà quan trọng hơn là tinh thần, linh hồn ẩn chứa trong nội thất, trong mỗi nét điêu khắc, hình tượng trang trí. Cần sưu tầm các hệ thống tri thức bản địa liên quan đến quá trình xây dựng, từ việc khai thác nguyên liệu, đến việc dựng nhà, các khâu đoạn hoàn thành; sưu tầm hệ thống hình tượng, motif, họa tiết, tượng điêu khắc trang trí trên toàn bộ kiến trúc Gươl; có chế độ đãi ngộ và sử dụng các thế hệ nghệ nhân dân gian đã từng tham gia, biết các tri thức kỹ thuật xây dựng, thực hiện điêu khắc các hình tượng trang trí,… Xây dựng Gươl trở thành một không gian lưu giữ, bảo tồn, bảo tàng, đáp ứng nhu cầu hoạt động tham quan du lịch, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa tộc người. Trên quan điểm bảo tồn nguyên dạng, Gươl sẽ tồn tại như những dạng “nhà bảo tàng” dành cho khách tham quan và nghiên cứu trong định hướng xây dựng mô hình “Làng du lịch văn hóa tộc người”. Khi đó, việc phục dựng phải đảm bảo theo những tiêu chí truyền thống cả về vật liệu, kỹ thuật, công cụ, nghệ nhân, các cấu kiện, bộ phận và cấu trúc nội thất.
Quy hoạch lại dân cư và bản làng của đồng bào phải phù hợp với tập quán, các quan hệ xã hội và tâm lý tộc người. Trong công tác xoá nhà tạm, không nên áp đặt kiên cố hoá, kinh hoá toàn bộ vật liệu, kiến trúc mà cần thiết giữ lại những giá trị truyền thống. Bà con dân tộc thích ở nhà sàn thì cứ để họ ở nhà sàn, khuyến khích làm nhà sàn để thích ứng với những điều kiện về thiên nhiên, môi trường miền núi. Chúng ta hướng dẫn xây nhà kiên cố, sử dụng vật liệu mới hợp lý, đúng mức. Bên dưới nhà sàn không được dùng làm chỗ nuôi gia súc mà chỉ để nông cụ và đồ dùng gia đình. Cần tạo những mẫu nhà và mẫu quy hoạch làng phù hợp, lấy cái được, cái hay để thuyết phục đồng bào và chính quyền ở nông thôn, đồng thời tìm ra phương hướng cho chúng đi vào đời sống. Bởi vì, dù có tiến hoá, phát triển đến đâu đi nữa, loài người đang có xu hướng quay lại cái mà ngày hôm kia mình đã từ bỏ, chỉ khác là cải tiến cho nó văn minh hơn.
Thực hiện chính sách nhà ở cho đồng bào miền núi nói chung, đồng bào Cơ Tu nói riêng là một chủ trương đúng đắn, đầy tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, phải vận dụng, nghiên cứu và thực hiện một cách khoa học, hợp lý để bảo tồn những giá trị truyền thống trong kiến trúc nhà ở theo hướng phát triển bền vững. Phải giữ cho chúng không bị thoái hoá về vật chất, tinh thần lẫn thẩm mỹ, phải giữ gìn cái hay cái đẹp, nét khác biệt trong lối ăn, cách ở của người miền núi, bảo tồn di sản nhân văn tộc người.
T.T.V
(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 7/2014)