Tiếng nói, chữ viết là hồn cốt của mỗi tộc người. Do đó, việc sử dụng, duy trì tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm góp phần bảo tồn, duy trì nền văn hóa đa dạng, phong phú của các dân tộc Việt Nam. Ở một số địa phương thuộc huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, việc bảo tồn, truyền dạy tiếng nói dân tộc được chính quyền quan tâm, chú trọng và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Hà Tĩnh có trên 32 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn các huyện Vũ Quang, Hương Sơn và Hương Khê. Riêng trên địa bàn huyện Hương Khê có gần 20 DTTS sinh sống ở bốn cụm bản làng gồm: Bản Phú Lâm (Cơn Trồ), xã Phú Gia có 67 hộ, với 256 nhân khẩu dân tộc Lào (Lào Thưng- một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc ở nước Lào); bản Lòi Sim (nay là xóm Bắc Lĩnh), xã Hương Trạch có 152 hộ, với 605 nhân khẩu dân tộc Mường; bản Rào Tre, xã Hương Liên có 46 hộ với 152 nhân khẩu dân tộc Chứt; bản Giàng, xã Hương Vĩnh có 11 hộ, với 47 khẩu dân tộc Chứt.
Trong các cụm bản làng trên, nhóm dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, xã Hương Liên và dân tộc Chứt tại bản Giàng, xã Hương Vĩnh vẫn duy trì tiếng nói của dân tộc mình. Nhóm dân tộc Mường tại bản Lòi Sim, xã Hương Trạch và dân tộc Lào, tại bản Phú Lâm (Cơn Trồ), xã Phú Gia chỉ còn một số người cao tuổi là nói được ngôn ngữ của dân tộc mình.
Ông Phan Thanh Tuyền, Trưởng bản Lòi Sim cho biết, người Mường từ Quảng Bình ra đây lập nghiệp trước năm 1954 (gốc gác ở Thanh Hóa vào Quảng Bình từ thời Hậu Lê). Khi xưa, chỉ có khoảng 5-7 gia đình lập bản ở giữa núi rừng, dần dần phát triển thành bản giữa vùng đồi sim, nên mới có tên là “Lòi Sim”. Quá trình phát triển, giao lưu văn hóa với người Kinh, bản Lòi Sim giờ chỉ còn vài ba người cao tuổi nói được tiếng Mường.
Ông Cao Song Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho rằng, thời gian qua, việc vận động bà con dân tộc Mường sử dụng tiếng nói của dân tộc mình trong gia đình, cộng đồng vẫn chưa thực sự được chú ý. Hiện nay, thế hệ trẻ hầu như không được truyền dạy ngôn ngữ mẹ đẻ, tâm lý ngại học, ngại nói tiếng dân tộc mình vẫn còn. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ phố hợp cùng Ban Mặt trận thôn (nơi người Mường sinh sống), có kế hoạch để vận động những người cao tuổi truyền dạy tiếng nói dân tộc cho con cháu trong gia đình, sau đó sẽ lan tỏa dần ra cộng đồng.
“Tại bản Lòi Sim, chúng tôi đang vận động các cụ nói được tiếng Mường, thường xuyên sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong giao tiếp hằng ngày để con cháu học nói theo. Điều quan trọng là, phải tuyên truyền, giải thích được cho thế hệ trẻ thay đổi nhận thức để xóa bỏ tâm lý tự ti khi nói tiếng dân tộc”, Trưởng bản Lòi Sim chia sẻ.
Còn tại bản Phú Lâm (Cơn Trồ), việc bảo tồn, truyền dạy tiếng nói dân tộc được Trưởng bản Đinh Văn Hòe rất quan tâm, chú trọng. Hiện tại, Trưởng bản Hòe không chỉ truyền dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho con cái trong nhà thông qua giao tiếp hằng ngày, mà còn hướng dẫn cho một số bà con nói tiếng Lào (Lào Thưng). Cách làm của ông đơn giản mà khá hiệu quả, ông viết tiếng Việt phiên ra tiếng Lào để con cháu, mọi người cùng đọc, cùng nói tiếng Lào.
“Cứ ngồi cùng con cháu khi uống nước, ăn cơm là mình lại đưa tiếng Lào ra nói cho chúng nó biết. Bà con lối xóm thì cứ quây quần bên ấm nước chè xanh là mình lại nói tiếng dân tộc và giải thích cho họ hiểu, mọi người biết được từ nào thì lại về dạy cho con cái trong nhà. Các gia đình phải luôn sử dụng tiếng Lào Thưng trong sinh hoạt gia đình thì mới bảo tồn được văn hóa dân tộc”, Trưởng bản Hòe bộc bạch.
Tín hiệu đáng mừng là tại 2 bản Lòi Sim và Phú Lâm đã có một số gia đình sử dụng tiếng dân tộc trong giao tiếp hàng ngày.
Từ thực tế cho thấy, việc khôi phục, bảo tồn, lưu giữ tiếng nói của các dân tộc, không chỉ là lòng tự tôn, trách nhiệm của mỗi gia đình, cộng đồng dân tộc, mà cần có sự vào cuộc của ngành Giáo dục và chính quyền địa phương.
Nhà trường cần động viên, khuyến khích các em học sinh sử dụng tiếng dân tộc trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng, tiến tới có kế hoạch tổ chức câu lạc bộ “Nói tiếng dân tộc” cho các em học sinh người DTTS.
Bên cạnh đó, Ban Công tác Mặt trận, ngành Văn hóa, chính quyền địa phương các cấp cần tích cực, khẩn trương có chính sách phù hợp để động viên, xây dựng phong trào sử dụng tiếng dân tộc ngay trong cuộc sống gia đình và cộng đồng mỗi dân tộc.
Nguồn: Baodantoc.vn – Lê Hữu Tân